Theo tinnhanhchungkhoan.vn
Trong nội dung họp có nhiều nội dung mới đáng chú ý. Cụ thể, trước 2 ngày diễn ra ĐHCĐ, HĐQT Coteccons có nghị quyết điều chỉnh nội dung phát hành trái phiếu ra công chúng, tăng từ 500 tỷ đồng lên 1000 tỷ đồng. Trái phiếu được chào bán không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không được bảo đảm bằng tài sản.
Đây là năm đầu tiên CTD xin ý kiến cổ đông về việc phát hành trái phiếu. Trên sàn chứng khoán, CTD được đánh giá là công ty có sức khỏe tài chính lành mạnh, không vay nợ, tiền gửi ngân hàng hiện ở mức hơn 3.370 tỷ đồng.
Một nội dung đáng chú ý khác là tại ĐHCĐ lần này, cổ đông sẽ tiến hành bẩu bổ sung 3 thành viên HĐQT và 1 thành viên Ban kiểm soát. Theo CTD, việc này nhằm đáp ứng nhu cầu quản trị công ty, HĐQT dự kiến tăng số lượng thành viên lên 8.
Trong đó, 3 ứng cử viên mới là ông Tống Văn Nga, ông Trịnh Ngọc Hiến và bà Trịnh Quỳnh Giao. Trong đó, ông Nga được đề cử bởi cổ đông Kustocem đại diện cho hơn 18,72% vốn tại Coteccons. Còn ông Hiến, bà Giao đều được đề cử bởi nhóm cổ đông The 8th đại diện cho hơn 11,11% vốn. Hiện bà Giao đã đảm nhận vị trí Giám đốc Đầu tư của Coteccons từ tháng 11/2020 đến nay.
Hiện tại, HĐQT CTD đang có 4 thành viên, gồm ông Bolat Duisenov, Chủ tịch và 4 thành viên gồm ông Talgat Turumbayev, ông Tan Chin Tiong, ông Yerkin Tatishev và Herwig Guido H.Van Hove. Các thành viên này hầu hết đều là người của The8th hoặc Kusto Group.
Trong ban điều hành, CTD bổ sung 4 phó tổng giám đốc, bao gồm, ông Chris Senekki, nguyên Tổng giám đốc Công ty xây dựng Turner Việt Nam, có hơn 22 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực xây dựng. Ông Phan Hữu Duy Quốc, nguyên phó đại diện của Shimizu Việt Nam, chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng với 19 năm kinh nghiệm tại Nhật Bản cùng ông Nguyễn Ngọc Lân và ông Võ Hoàng Lâm.
Đến nay, vị trí CEO của CTD vẫn trống ghế.
Với ban kiểm soát, nhóm Kustocem đề cử đề cử ông Trần Văn Thức làm thành viên Ban kiểm soát, thay thế Luis Fernando Garcia Agraz.
Năm 2021, CTD lên kế hoạch doanh thu hợp nhất 17.413 tỷ đồng, tăng 20% thực hiện năm trước. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất 340 tỷ đồng, tăng 2%.
HĐQT CTD đánh giá, năm 2021 ngành xây dựng có nhiều cơ hội để vươn lên dựa trên kịch bản tăng trưởng kinh tế 5,6 – 5,8%, dịch bệnh được kiểm soát tốt thì nhu cầu về nhà ở, cao ốc văn phòng, bất động sản nghỉ dưỡng… sẽ tăng trưởng trở lại. Bên cạnh đó, Chính phủ đẩy mạnh đầu tư công làm động lực tăng trưởng cho nền kinh tế, ngành xây dựng hạ tầng sẽ được hưởng lợi. Trong dài hạn, nhu cầu về nhà ở giai đoạn 2021 – 2030 tiếp tục gia tăng, đặc biệt tại khu đô thị.
Ngoài ra, ngành năng lượng tái tạo tiếp tục nhận được sự quan tâm của Chính phủ. Theo đó, Coteccons có điều chỉnh linh hoạt chiến lược 5 năm, bước chân vào lĩnh vực năng lượng tái tạo.
Theo đó, Đại hội sẽ xin ý kiến thông qua việc cập nhật và thay đổi ngành nghề công ty. Trong đó, CTD bổ sung một số ngành nghề như xây dựng công trình điện, viễn thông liên lạc, khai khoáng… Nhưng xây dựng nhà để ở vẫn là ngành nghề kinh doanh chính, trái với nhiều đồn đoán trên thị trường việc CTD sẽ bỏ mảng xây dựng.
Công ty cũng dự kiến thông qua phương án phát hành cổ phiếu ESOP nhằm khích lệ tinh thần làm việc của người lao động cũng như gắn bó với công ty. Theo đó, tỷ lệ phát hành sẽ phụ thuộc vào BCTC hợp nhất kiếm toán 2021, theo 2 trường hợp: một, nếu doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế năm 2021 đạt như kế hoạch, tỷ lệ phát hành là 1%/lượng cổ phiếu lưu hành, tương đương số lượng phát hành khoảng 742.836 cổ phiếu; hai, nếu doanh thu và lợi nhuận đều vượt kế hoạch thì tỷ lệ phát hành sẽ do HĐQT đề xuất, đảm bảo theo quy định của pháp luật.
Giá phát hành ESOP không thấp hơn 10.000 đồng/CP và bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 3 năm. Thời gian thực hiện dự kiến trong năm 2022. Đối tượng phát hành là thành viên HĐQT, thành viên ban Tổng giám đốc, cán bộ quản lý chủ chốt và các cán bộ nhân viên khác.
NỘI DUNG TƯỜNG THUẬT
09:33
Ông Bolat Duisenov, Chủ tịch HĐQT chia sẻ tầm nhìn 5 năm tiếp theo với mục tiêu 3 tỷ USD doanh thu vào năm 2025.
Thừa nhận sẽ có nhiều khó khăn nhưng ông Bolat tự tin vào mục tiêu tham vọng này. Chủ tịch HĐQT Coteccons cho rằng, chỉ khi đặt mục tiêu lớn thì mới có thể kết nối mọi thành viên công ty với nhau, cùng đoàn kết hướng đến.
“Nhìn lại những gì đã đạt được trong năm 2020 là năm nhiều khó khăn, thử thách từ tác nhân bên ngoài và cả nội tại nội bộ. Vừa bệnh dịch, vừa cạnh tranh khốc liệt trên thị trường, nhiều DN trong ngành đã đóng băng giấy phép xây dựng, nhiều nhà đầu tư gặp khó khăn tài chính, còn nội tại CTD thì trải qua những mâu thuẫn các cổ đông và Ban điều hành lúc đó. Những người lèo lái CTD nhiều năm đã rời bỏ công ty.
CTD gặp khó khăn trong vận hành, khách hàng hoang mang và thiếu niềm tin, Công ty không có hợp đồng mới trong năm 2020, khoản phải thu thì ngày càng cao lên.
Tới nay, CTD vẫn đang chịu những khó khăn, nhưng trong cách nhìn của tôi, ở những lúc khó khăn đó quyết định số phận của ta, ta vượt lên khó khăn, thành công tái cấu trúc công ty, vận hành ổn định công ty, vẫn có những nhân tài vẫn tiếp tục cống hiến, có dự án mới, có khách hàng mới và liên tục bàn giao dự án với chất lượng tốt nhất.
Chúng tôi luốn có tinh thần vươn xa hơn, cao hơn, chủ đề GO BEYOND – không để khó khăn đánh gục, mà vượt lên và vươn xa đi. Khó khăn đến cùng lúc với cơ hội, tôi thấy cơ hội để xây dựng công ty thực sự lớn mạnh.
Tôi luôn có cảm hứng và ngưỡng mộ quốc gia ở khu vực Trung Đông là Israel, dù nhiều khó khăn, họ dám nghĩ, dám mơ, tham vọng trở thành đất nước thịnh vượng. Tôi thấy có sự giống nhau, tương đồng giữa CTD và Israel, chúng ta có đội ngũ tài giỏi, dám mơ, dám làm, ở trên các công trường họ làm việc rất đoàn kết với nhau. CTD đang có những nền tảng cần thiết nhất để đạt mục tiêu của mình.
Đội ngũ điều hành chủ chốt hiện nay của CTD |
Ngoài nhân tài, Coteccons có thương hiệu đứng đầu được công nhận, và vẫn đang giữ được vị trí số 1 trong thị trường xây dựng của CTD, số 4 của Unicon.
Với tính hình vĩ mô, chính trị ổn định, việc đạt doanh số 3 tỷ USD năm 2025 là tham vọng nhưng có cơ sở.
Có 3 từ khoá mà chúng tôi bám sát là Tăng trưởng – bền vững – dài hạn. Mỗi sáng kiến, mỗi quyết định của công ty đều hướng đến điều này. Cả 3 từ khoá này sẽ định nghĩa Coteccons là ai, sẽ là tinh thần và dẫn dắt trong mọi hoạt động của toàn bộ 1.700 nhân viên và Ban điều hành.
Có 4 chiến lược chính để thực hiện 3 từ khoá và chúng tôi dồn hết nguồn lực, tâm trí để đạt mục tiêu đề ra, bao gồm:
Con người là trọng tâm: tài sản quý và là lợi thế cạnh tranh dài hạn. Tôi sống và làm việc tại Việt Nam 13 năm và nhận thấy con người Việt Nam có ý chí, có tham vọng và Coteccons là doanh nghiệp Việt Nam. Tôi tự hào đã sống và làm việc tại Việt Nam 13 năm.
HĐQT và Ban điều hành luôn tìm cách để thu hút và chào đón nhân tài tại Coteccons, tạo ra môi trường để họ phát huy năng lực của mình, cho họ đất dụng võ. Năm 2021 là năm đầu tiên đặt nền móng cho tăng trưởng của công ty.
Hai tháng trước tôi may mắn gặp một bạn trẻ Việt Nam – Phan Thanh Nhiên, người chinh phục ngọn núi cao nhất thế giới, khi trao đổi, tôi có rất nhiều cảm hứng và là người cho tôi cảm hứng để đặt mục tiêu GO BEYOND cho Coteccons. Tôi ngưỡng mộ, sau khi chinh phục đỉnh Evverest thì vẫn tiếp tục đặt mục tiêu chinh phục cao hơn. Điều này giống Coteccons, dù gặp khó khăn, dù có vị trí hàng đầu, nhưng vẫn luôn khát khao phá bỏ những giới hạn, vươn lên tầm cao hơn.
Mượn một câu nói nổi tiếng, “khi bạn ngừng thay đổi, mọi thứ sẽ kết thúc” – là điều tôi muốn truyền tải tới các bạn.
Vận hành vượt trội: phải có phát kiến sẽ được áp dụng nhanh để có tăng trưởng bền vững, và đảm bảo chất lượng hàng đầu. Công ty dồn hết nguồn lực tài chính, con người để vận hành hiệu quả, áp dụng thông lệ tốt nhất, thiết lập chuẩn cao nhất và liên tục nâng tầm tiêu chuẩn của mình. Coteccons là thương Việt Nam sẽ được công nhận là chất lượng quốc tế.
Chất lượng là cái nằm trong máu chúng ta, là đúng hạn, là an toàn – là điều mà Coteccons luôn hướng đến. Đây là tố chất và là cốt lõi của công ty.
Ở TP. Hồ Chí Minh và cả nước, các toà nhà chọc trời có logo Coteccons – là bảo chứng cho chất lượng, cho khách hàng và công dân sử dụng dự án. Họ thấy logo thì họ thấy an tâm về chất lượng và an toàn, thoải mái.
Đa dạng hoá hoạt động kinh doanh: nếu đa dạng hoá được các mảng thì không phụ thuộc vào vòng xoáy thị trường, chu kỳ tăng giảm của ngành bất động sản.
Muốn phát triển bền vững thì phải mở rộng lĩnh vực kinh doanh khác dựa trên nền tảng cốt lõi là xây dựng. CTD là công ty xây dựng hàng đầu nhưng mới chỉ chiếm 7% thị phần, còn rất nhiều dư địa tăng trưởng. Thay vì xây dựng toà nhà, CTD có thể xây dựng công nghiệp, nhà máy, khu chế xuất.
Huyndai Hàn Quốc thành lập những năm 40, ban đầu họ là công ty xây dựng đường xá ở Hàn Quốc, nay trở thành tập đoàn đa ngành nghề. Nhiều tập đoàn khác cũng thế, nhưng cốt lõi xây dựng vẫn là tỷ trọng lớn, bên cạnh các mảng mở rộng. CTD cũng làm được như vậy.
CTD đang xây nhiều toà nhà tại Việt Nam, nhưng chỉ tập trung chỉ một phân khúc này sẽ bị phụ thuộc chu kỳ của phân khúc đó, CTD sẽ phải bước vào hạ tầng, EPC…đây là nhu cầu của thị trường. Tinh thần GO BEYOND – khát vọng vươn xa sẽ thúc đẩy, dẫn dắt chúng ta.
Chiến lược sắp tới của CTD |
Khai mở giá trị: tham vọng doanh thu 3 tỷ USD năm 2025, cần làm gì để khai mở các giá trị tiềm năng đây? Chúng ta có 3 nguyên tắc và hướng đến để điều hành, trong đó là “cam kết minh bạch”- tôi cam kết điều này với các bên liên quan, làm mọi điều với quyền lợi công ty lên hàng đầu và đảm bảo không tác động tiêu cực tới môi trường. Mục đích quan trọng nhất cho các chiến lược này là mang lại lợi ích cao nhất cho cổ đông – Coteccons là thương hiệu Việt Nam và muốn trở thành niềm tự hào của người việt.
Trong 5 năm tới nhiệm vụ chính là chuyển đổi mô hình hoạt động, hướng đến chất lượng tốt nhất, áp dụng thông lệ tốt nhất, môi trường làm việc tốt nhất, phải có được mô hình hoạt động được B2B, B2C.
Những điều này không thể một vài cá nhân làm được, mà là cả đội ngũ, một tập thể”.
09:41
Ông Trần Trí Gia Nguyễn (Michael Trần), Phó tổng giám đốc nói: “Từ 2020 đến 2021 đều khó khăn. Một công ty xây dựng có backlog đều cao nhưng năm nay ở Coteccons chỉ trung bình, sẽ khó khăn hơn nếu vạch ra doanh thu 2021 cao. Từ tháng 1 đến tháng 3/2021, Coteccons Group trúng thầu 10 dự án, trong đó Unicons là 3 dự án.
Từ tháng 1 đến tháng 3/2021, Coteccons Group trúng thầu 10 dự án, trong đó Unicons là 3 dự án |
Năm 2021, Coteccons đặt mục tiêu doanh thu 17.413 tỷ đồng, trong đó 8.800 tỷ đồng backlog. Để đạt được, hợp đồng ký mới là 21.500 – 25.000 tỷ đồng. Dự kiến, Coteccons phải đấu thầu 107.500 – 125.000 tỷ đồng.
Dự kiến, Coteccons phải đấu thầu 107.500 – 125.000 tỷ đồng. |
Chiến lược kinh doanh của CTD là phải đa dạng hoá khách hàng và sản phẩm để đáp ứng nhiều nhu cầu hơn, tập trung vào dịch vụ khách hàng và phát triển kinh doanh và tối ưu hoá chi phí. Hiện công việc chưa nhiều, các nhà thầu đều phải xem lại giá cả có tốt, có lợi thế gì.
CTD có tài chính mạnh, có giá tốt và kỹ thuật có những con người rất giỏi, hệ thống quản lý giỏi nên sẽ làm nhanh nhất, thì biên lợi nhuận cũng tốt hơn.
Bên cạnh đó, vấn đề công nghệ là những gì mới mà CTD áp dụng để thi công chuẩn nhất, không phải quay lại sửa chữa và làm lại. Cải tiến quy trình, trong thời gian xây dựng và hoàn thành luôn nói về các bài học, về kinh nghiệm. Đồng thời, CTD nhấn mạnh đào tạo chuẩn mực – là key tăng trưởng của một doanh nghiệp. Và cuối cùng là phải có đổi mới, phải áp dụng kỹ thuật số giữa tư vấn, nhà thầu, thầu phụ, nhà cung cấp – để công việc được giải quyết đúng, có đề xuất tốt nhất với chủ đầu tư”.
09:54
“Sự cam kết cũng là cách Coteccons tạo sự khác biệt, quan trọng là quy trì cam kết và không phá vỡ lời hứa, xây dựng niềm tin để đồng hành cùng đối tác. Nhờ vậy, đối tác mới có thể quay lại, đồng hành nhiều năm và duy trì nguồn thu bền vững.
Vượt trội trong vận hành là tuân thủ các tiêu chuẩn cao cấp toàn cầu, có nguồn lực dồi dào, tạo hệ thống để trao đổi và chia sẻ kiến thức, có mối quan hệ chặt chẽ với chuyên gia toàn cầu. Đó là những người gia tăng giá trị cho dự án của Coteccons” – ông Phan Hữu Duy Quốc, Phó Tổng giám đốc nói về chiến lược đa dạng hóa của Coteccons.
“Hiện tại, 99% công việc của Coteccons liên quan xây dựng nhà ở, còn nhiều việc khác chưa làm như hạ tầng, tổng thầu EPC (năng lượng, nhà máy, tàu điện ngầm), dịch vụ tài chính, quản lý tài sản.
Ông Phan Hữu Duy Quốc, Phó tổng giám đốc nói về 5 lý do Coteccons phải chuyển đổi |
Có 5 lý do chính để Coteccons chuyển đổi:
Thứ nhất là sự cạnh tranh ngành xây dựng ngày càng trở nên khốc liệt, lợi nhuận thấp trong các dự án xây dựng. Thứ hai là tiềm năng thị trường ngoài dân dụng và công nghiệp rất lớn. Thứ ba, nhà đầu tư đang đa dạng hóa công việc đầu tư, xu thế chung của các tập đoàn xây dựng…
Chẳng hạn, hệ thống metro ở Hà Nội, mới xây 2/8 tuyến còn TP HCM là 1/8 tuyến đang xây dựng. Giá trị đều trên 2 tỷ USD cho mỗi tuyến metro. Để hoàn thành 2 hệ thống này, Việt Nam cần 50 năm nữa, do đó Coteccons cần chuẩn bị ngay từ bây giờ.
Hoặc cao tốc Bắc Nam có 6.400 km đến 2030, nhưng mới chỉ hoàn thành 20% (1.300 km) còn 80% thì chưa làm. Coteccons sẽ làm. Mảng năng lượng điện gió, Coteccons cũng đang cố gắng dấn thân, có 55.000 MW đang được đề xuất xây dựng, mỗi MW giá 20 tỷ đồng, thực tế mới 377 MW được đưa vào khai thác, còn nhiều việc cần làm. Còn mảng xây dựng sân bay, riêng sân bay Long Thành, chi phí xây dựng giai đoạn 1 là 4 tỷ USD. Tại sao Coteccons lại đứng ngoài cuộc, ông Quốc đặt câu hỏi.
Để thực hiện đa dạng hóa, Coteccons cần lập các phòng ban mới, tìm kiếm các khách hàng FDI mới, thiết lập hợp tác chiến lược, thực hiện M&A các công ty chuyên nghiệp trong các lĩnh vực, hỗ trợ tài chính (từ tiền nhàn rỗi, sử dụng vốn ngân hàng) và tự mình đầu tư vào các dự án PPP, BOT, PFI.
Trong 2021 – năm đầu tiên thực hiện chiến lược đa dạng hóa, Coteccons sẽ ký hợp tác chiến lược với 2 tổ chức tư vấn, 2 nhà thầu; ký hợp đồng ít nhất 1 dự án năng lượng, 1 dự án hạ tầng; hỗ trợ vốn ít nhất 2 dự án bất động sản; nghiên cứu ít nhất 5 công ty cho mục tiêu M&A ngành hạ tầng.
Ngoài ra, công ty sẽ thành lập phòng EPC, tập trung cho mảng năng lượng; thành lập phòng hạ tầng; thành lập phòng kinh doanh sản phẩm phi truyền thống; củng cố ban đầu tư; thành lập bộ phận hỗ trợ khách hàng FDI (Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc). Đặc biệt, công ty bắt đầu nghiên cứu lĩnh vực quản lý tài sản”.
10:19
Sau phần báo cáo các tờ trình, Đại hội tiến hành thảo luận
Cổ đông: Việc vật liệu xây dựng tăng giá có ảnh hưởng đến đấu thầu và thi công không?
Ông Micheal Trần: Chắc chắn có ảnh hưởng về giá, nhưng không phải mối lo ngại quan trọng nhất. Thị trường của chúng ta 6 tháng qua, giá thép tăng rất cao, có thể từ 10.000 lên 15.000, đây là khó khăn chung của thị trường, CTD cũng vậy. Tuy nhiên, với CTD, luôn có giá tốt vì có những nhà thầu phụ, cung cáp, nên giữ giá được sản phẩm lớn trong thời gian dài.
Cổ đông: Vì sao các dự án của Coteccons lại chuyển sang nhà thầu khác?
Ông Bolat: Triết lý chúng tôi đơn giản, khách hàng luôn luôn đúng và tôn trọng quyết định khách hàng. Có vài khách hàng có lo ngại về năng lực khách hàng, thì chúng tôi luôn làm tốt nhất có thể để thể hiện năng lực của mình, từ tiến độ, chất lượng, chỉ số an toàn tốt nhất.
Một số khách hàng chuyển sang nhà thầu khác chỉ là nhất thời.
Cổ đông: Vì sao năm 2020 CTD trích lập lớn, năm nay thì sao?
Bà Cao Thị Mai Lê, kế toán trưởng: Trích lập nợ khó đòi năm 2020 tăng cao hơn nhiều các năm trước là vì CTD hướng đến minh bạch, và việc lập dự phòng thể hiện sự minh bạch. Năm 2021, hy vọng việc lập dự phòng có nhưng không nhiều.
Cổ đông: Kế hoạch doanh thu tăng 20% nhưng lợi nhuận chỉ tăng 2%?
Bà Mai Lê: CTD đang chuyển đổi, tái cấu trúc, đầu tư nhiều vào con người, công nghệ… về ngắn hạn thì ảnh hưởng vào lợi nhuận năm 2021, nhưng lâu dài sẽ mang lại lợi ích lớn hơn, ngày càng cải thiện các năm sau.
Cổ đông: Ước tính kết quả quý 1, giá trị ký mới tính đến hiện nay?
Doanh thu hợp nhất 2.568 tỷ đồng, 14,7% kế hoạch năm 2021, lợi nhuận sau thuế 54,5 tỷ đồng, bằng 16% kế hoạch cả năm.
Ký 10 hợp đồng mới, có 7 hợp đồng của CTD, và 3 hợp đồng từ Unicons, tổng giá trị hợp đồng khoảng 2.500 tỷ đồng.
Cổ đông: Vì sao tăng giá trị phát hành trái phiếu từ 500 tỷ đồng lên 1.000 tỷ đồng, và nó dùng cho việc đa dạng hoá hoạt động như thế nào?
Bà Trịnh Quỳnh Giao: CTD mở rộng lĩnh vực hạ tầng, EPC cần vốn lớn nên cũng cần chuẩn bị nguồn vốn trước.
Về trái phiếu, khảo sát tư vấn là SSI, họ đánh giá thị trường đón nhận trái phiếu CTD khả quan, nên tư vấn có đề xuất tăng hạn mức này lên. Việc phát hành 500 hay 1.000 tỷ đồng sẽ là xin ý kiến cổ đông trước, còn quyết định linh hoạt tuỳ từng thời điểm.
Cổ đông: Truyền thông đưa tin, Công ty Ricons xây dựng Landmark 81, Công ty có ý kiến gì?
Micheal Trần: Đây là câu hỏi đúng. Cách đây 6 tháng, tôi từ chức bên Hoà Bình, tôi là người xây dựng Saigon Center cho Hoà Bình, nếu vậy tôi vào Coteccons và nói đó là dự án của Coteccons thì không công bằng cho nhà đầu tư khác.
Tôi nói rằng, chủ đầu tư chỉ ký hợp đồng với Coteccons và là sự đóng góp của anh em Coteccons.
10:23
Cổ đông: Làm gì để không chảy máu chất xám, nhân sự ra đi ảnh hưởng gì các dự án của Công ty?
Ông Phạm Quân Lực: CTD đang trong quá trình tái cơ cấu, sẽ có các nhân sự không phù hợp thì họ rời đi. Bản chất tái cơ cấu cũng là để thu hút nhân tài, “đất lành chim đậu”.
Nhân sự ra đi thì có ảnh hưởng tới dự án, nhưng chúng tôi đã kiện toàn bộ máy với 1.700 nhân viên, trong đó hơn 130 cán bộ quản lý đủ sức quản lý 50-60 dự án.
Cổ đông: Coteccons dự kiến 2025 có nhiều mảng bất động sản, hạ tầng… Xây dựng có nằm trong đó không, mảng nào chiếm cao nhất?
Ông Michael Trần: Coteccons tập trung vào mảng xây dựng, hạ tầng là mảng tiếp tục từ 2022. Một công ty ở nước ngoài cũng vậy, cần có 3 cái chân để nâng đỡ. Nếu chỉ có xây dựng thì chỉ có 1 cái chân, khi kinh tế ảnh hưởng thì bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Coteccons không đầu tư để cạnh tranh với chủ đầu tư, chỉ tập trung vào xây dựng, đa dạng hóa EPC. Xây dựng vẫn là chính thức.
Cổ đông: Công ty có kế hoạch gì khoản đầu tư tại Ricons?
Bà Giao: Ban đầu tư đang đánh giá lại các khoản đầu tư, hiện chưa có quyết định gì về phần này.
10:26
Cổ đông: Công ty có hy sinh lợi nhuận để giành hợp đồng không, chiến lược của Công ty trong cạnh tranh là gì?
Ông Micheal: Chúng tôi không đi vào cuộc chiến về giá. Coteccons có sẵn các yếu tố để tin rằng chủ đầu tư sẽ hiểu: thứ nhất là thương hiệu, thứ hai là con người, hệ thống và có tài chính mạnh. Do vậy, cơ hội CTD lấy hợp đồng không phải vì đấu giá mà có hợp đồng, mà là khả năng của mình, niềm tin của khách hàng để lấy hợp đồng.
10:34
Cổ đông: Tại sao trong lễ ký kết kế hoạch 2021 đặt mục tiêu hơn 1 tỷ USD (hơn 23.000 tỷ đồng), thì nay tờ trình chỉ hơn 17.400 tỷ đồng?
Ông Bolat: Đây là mục tiêu nội bộ của chúng tôi. 1 tỷ USD là con số lớn, và chúng tôi có nhiều nỗ lực, nhưng tại thời điểm hiện nay, khi xem xét lại, đặc biệt mảng năng lượng tái tạo thì chúng tôi chưa sẵn sàng tiếp cận các yêu cầu rủi ro, như hoàn thành dự án trước tháng 10/2021.
Cổ đông: Giao dịch đầu tư cổ phiếu Idico là thế nào?
Bà Giao: Có thể truyền thông đưa tin không chính xác về việc lỗ trong khoản đầu tư này, mà thực sự là chúng tôi có lãi. CTD đang tái cơ cấu nên không tham gia các khoản đầu tư rủi ro cao.
Với khoản đầu tư vào IDC, nhằm thiết lập mối quan hệ với tổng công ty lớn trong lĩnh vực phát triển khu công nghiệp. Đầu năm 2021, CTD và IDC đã ký kết đối tác chiến lược. Trong đó, có nhiều sản phẩm, dịch vụ mà 2 bên có thể cùng phát triển, cũng có thể giới thiệu các đối tác, khách hàng cho nhau. IDC cũng có các mảng warehouse, khu công nghiệp…. mà CTD có thể cung cấp dịch vụ.
11:09
Đại hội kết thúc phần thảo luận.
12:19
Kết thúc Đại hội, tất cả các tờ trình đã được thông qua.
Theo đó, trong năm 2021, doanh nghiệp dự kiến doanh thu hợp nhất là 17.413 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất là 340 tỷ đồng, lần lượt tăng 20% và 2% so với thực hiện trong năm 2020. Chia cổ tức năm 2020 tỷ lệ là 10% và uỷ quyền cho HĐQT lựa chọn thời điểm thích hợp để thực hiện chi trả cổ tức.
Công ty sẽ chào bán 1.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng, uỷ quyền cho HĐQT thông qua mục đích sử dụng vốn huy động được, các điều kiện và điều khoản cụ thể liên quan tới phát hành trái phiếu.
Ngoài ra, Đại hội cũng thông qua chương trình phát hành cổ phiếu ESOP với phương án: Nếu doanh thu thuần năm 2021 đạt từ 17.413 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 340 tỷ đồng thì tỷ lệ phát hành là 1% tính trên tổng số cổ phiếu đang lưu hành tại thời điểm triển khai thực hiện. Nếu doanh thu và lợi nhuận sau thuế năm 2021 vượt kế hoạch năm, tỷ lệ phát hành sẽ uỷ quyền cho HĐQT đề xuất đảm bảo theo quy định.
Ngoài ra, 3 ứng viên thành viên HĐQT và 1 ứng viên Ban kiểm soát cũng đều trúng cử.
Tác giả: Phan Hằng