Việt Nam đang trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư quốc tế. Thị trường xây dựng năm 2025 dự báo sẽ chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ về quy mô và giá trị nhờ vào dòng vốn đầu tư nước ngoài. Điều này không chỉ mở ra cơ hội lớn cho ngành mà còn tác động tích cực đến nền kinh tế cả nước.
Năm 2024 tốc độ tăng trưởng ngành xây dựng dự kiến đạt 7.8%, chỉ nhỉnh so với con số 7.1% của năm 2023. Tựu trung, cả ngành vẫn phải đối mặt với nhiều vấn đề về giá nguyên vật liệu tăng cao, thiếu nguồn cung công việc, thiếu vốn…
Nhìn tổng quan năm 2025, có thể chứng kiến những tín hiệu khởi sắc, đặc biệt khi Chính phủ tiếp tục đưa ra các gói đầu tư, hỗ trợ nhằm giúp thị trường phục hồi. Các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng lớn như cao tốc, cầu, sân bay, cảng biển và nhà máy công nghiệp… sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy nhu cầu về xây dựng.
Bên cạnh đó, nguồn vốn FDI tiếp tục lựa chọn Việt Nam như một điểm đến đầu tư an toàn và tiềm năng. Các dự án xây dựng nhà máy công nghiệp, khu công nghiệp và trung tâm logistics đang gia tăng, đồng thời đẩy mạnh xu hướng phát triển bền vững và công trình xanh.
Tuy nhiên, ngành xây dựng có thể vẫn phải đối mặt với những thách thức như chi phí nguyên vật liệu xây dựng tăng cao trong năm tới, theo đại diện CTCP Xây dựng Coteccons (HOSE: CTD).
FDI đi kèm bài toán ESG
Theo Coteccons, Việt Nam rất giỏi trong việc thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, nhờ những cam kết ổn định và sự tháo gỡ liên tục về thủ tục hành chính, giấy phép.
10 năm trước, nói đến Coteccons là một doanh nghiệp xây dựng những khu nhà cao tầng tại thành phố, các trung tâm nghỉ dưỡng tại Hội An, Hồ Tràm… Tuy nhiên, Coteccons đã nhìn thấy cơ hội trong 3 năm tái cấu trúc và đã dịch chuyển trọng tâm trong chiến lược kinh doanh sang đón đầu làn sóng FDI. CTD cho biết, doanh thu FDI đã tăng lên tới 50%.
Hiện các dự án FDI lớn tại Việt Nam đều do Coteccons đảm nhận, điển hình như dự án Pandora, nhà máy LEGO, nhà máy Suntory PepsiCo, LOGOS, BWID, Maple Tree, và Foxconn… CTD đặt mục tiêu tăng trưởng 20-30% mỗi năm trong 4-5 năm tới. Vì thế, đóng góp từ FDI sẽ là mảnh ghép quan trọng của Coteccons và cả ngành xây dựng.
“Việc mở rộng sang lĩnh vực này không chỉ là bước đi tất yếu để đa dạng hóa nguồn doanh thu mà còn đón đầu các cơ hội từ làn sóng đầu tư công và các dự án trọng điểm quốc gia” – ông Bolat Duisenov – Chủ tịch HĐQT Coteccons cho hay.
Ông Bolat Duisenov – Chủ tịch HĐQT Coteccons
|
Tuy vậy, để có cái gật đầu của doanh nghiệp FDI, không phải chỉ đáp ứng các tiêu chí về mặt kỹ thuật, công nghệ cao, giải pháp tiên tiến mà còn phải giải bài toán khó về khía cạnh ESG.
Trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển hạ tầng giao thông, logistics… để tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư FDI và nâng cao năng lực tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.
Đại diện Coteccons cho rằng, ngành xây dựng cần tăng cường các khu công nghiệp thông minh cho các nhà đầu tư FDI, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao, đòi hỏi cơ sở hạ tầng công nghiệp hiện đại hơn, quản lý năng lượng thông minh và đảm bảo tính bền vững.
Bên cạnh đó, xu hướng ESG đang ngày càng được các nhà đầu tư quốc tế chú trọng, đòi hỏi ngành xây dựng phải cải tiến quy trình, áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế như LEED hoặc EDGE.
Đồng thời, hợp tác quốc tế trong xây dựng sẽ kéo theo nhiều nhà thầu quốc tế vào Việt Nam, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước hợp tác chuyển giao công nghệ, học hỏi tiêu chuẩn thi công mới và mở rộng quy mô. Cuối cùng là cần đầu tư mạnh vào hạ tầng giao thông và logistics.
“Các công ty xây dựng cần nhanh chóng nâng cao năng lực cạnh tranh, từ cải tiến công nghệ, đào tạo nhân lực, cho đến xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với các nhà đầu tư nước ngoài. Đây là thời điểm để Việt Nam khẳng định vị thế và đưa ngành xây dựng lên một tầm cao mới” – ông Bolat chia sẻ.
Chương trình Xây Tết là điển hình trong thực thi ESG của Coteccons trong khía cạnh chăm lo cho đối tượng người lao động yếu thế.
|
Cuộc chiến giành gói thầu đầu tư công không hề dễ dàng
Ngành xây dựng sẽ được hưởng lợi chủ yếu từ nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng như nhà máy, kho bãi, cảng biển và khu công nghiệp. Sự gia tăng này đã được phần nào phản ánh trong cơ cấu doanh thu năm tài chính 2024 của Coteccons, khi tỷ trọng doanh thu từ các dự án FDI (tính cả FDI dân dụng) chiếm tới 50% tổng doanh thu của công ty – cao nhất từ trước tới nay.
“Mục tiêu thu hút tên tuổi lớn ở nước ngoài không thể nào một con én làm nên mùa xuân mà phải là sự phối hợp tổng lực của Nhà nước, thu hút đầu tư ở các khu công nghiệp và Coteccons tin tưởng Việt Nam sẽ có chính sách nâng tầm đầu tư. Nhà đầu tư nước ngoài chỉ đến với Việt Nam khi nào môi trường đủ hấp dẫn với tiềm năng thị trường và lực lượng lao động tay nghề cao sẵn có cũng như tiện ích tại các khu công nghiệp” – vị Chủ tịch chia sẻ.
Hiện nay, việc đấu thầu dự án ngày càng khốc liệt, đặc biệt ở các dự án đầu tư công. Tuy vậy, Coteccons chỉ ra những lợi thế cạnh tranh của Công ty như sở hữu nguồn tài chính vững mạnh và ổn định, đủ sức để đảm bảo tất cả các công trình được thực hiện đúng tiến độ và chất lượng.
Đặt an toàn lao động lên hàng đầu, luôn duy trì chuẩn mực an toàn ở mức cao nhất, tốc độ luôn là thế mạnh và là giá trị cốt lõi của Coteccons.
Ngoài ra, việc ứng dụng công nghệ hiện đại như BIM, quản lý dự án bằng phần mềm tiên tiến, công nghệ thi công xanh, đã đáp ứng các tiêu chí ngày càng khắt khe của các dự án đầu tư công.
Về kế hoạch M&A trong năm tới, Coteccons cho biết: Công ty là nhà đầu tư chiến lược, không phải nhà đầu tư tài chính. Trong tương lai, CTD sẽ ưu tiên tìm kiếm các cơ hội hợp tác đầu tư có sự cộng hưởng trên nền tảng kinh doanh cốt lõi là lĩnh vực xây dựng; đồng thời giúp Coteccons có thể mở rộng lĩnh vực kinh doanh, đa dạng hóa lĩnh vực và giảm sự phụ thuộc vào một lĩnh vực cụ thể. Công ty lựa chọn hợp tác với những doanh nghiệp có lịch sử lâu dài và để lại những dấu ấn, di sản trên thị trường.
Cần chuyển đổi số và chuyển đổi xanh
Coteccons xác định chuyển đổi số là khoản đầu tư chiến lược dài hạn. Việc ứng dụng công nghệ sẽ nhanh chóng bù đắp chi phí và tạo ra giá trị vượt trội cho công ty, khách hàng.
Về chuyển đổi xanh, đặc biệt khía cạnh xây dựng “green profile” – chuỗi cung cấp xanh – là yếu tố quan trọng để xây dựng các công trình xanh. Đơn cử như đối với xi măng, loại vật liệu mà hoạt động sản xuất thải ra nhiều carbon nhất trên thế giới. Coteccons đã ký MoU với nhà cung cấp xi măng FiCO-YTL – đơn vị sản xuất xi măng thay thế với hàm lượng clinker thấp hơn bình thường (quá trình sản xuất clinker tạo ra phần lớn khí thải carbon). Coteccons cũng đã ký MoU với nhà cung cấp bê tông FiCO Pan-United để ứng dụng bê tông khoáng hóa CO2 (CMC) giúp giảm lượng phát thải carbon trong giai đoạn xây dựng.
Việc phát triển và sử dụng các loại vật liệu thân thiện với môi trường sẽ không chỉ giúp bảo vệ hệ sinh thái mà còn góp phần giúp các công trình xây dựng đạt được các chứng nhận xanh như LEED, EDGE hay Lotus. Điều này giúp tạo ra lợi thế cạnh tranh trong ngành xây dựng đang ngày càng đòi hỏi cao về yếu tố ESG.
Coteccons cũng xây dựng kế hoạch phát triển chiến lược cho giai đoạn 2025-2029, trong đó đa dạng hóa nguồn doanh thu là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Mục tiêu của Coteccons là đạt tăng trưởng doanh thu kép hàng năm (CAGR) 20-30% và tỷ trọng doanh thu đến từ các lĩnh vực kinh doanh mới như MEP, facade và mảng global… sẽ đạt 30% vào năm 2029.
Trong năm 2025, ông lớn xây dựng này lo ngại những biến động khó lường từ thị trường và môi trường kinh doanh, cụ thể là nguy cơ từ sự hồi phục chậm của thị trường bất động sản dân dụng. Điều này có thể ảnh hưởng đến nguồn cung công việc trong mảng xây dựng dân dụng, vốn là một trong những trụ cột doanh thu của Coteccons.
(Nguồn: Vietstock)